Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam nghĩ về người xưa tôn trọng nhà giáo

Thứ năm - 20/11/2014 03:47

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Nghề dạy học là một nghề có từ xa xưa nhưng cũng là một nghề tồn tại mãi mãi với sự phát triển bất tận của nhân loại. Từ xa xưa, những người hành nghề dạy học là các thủ lĩnh, các người già thông thái trong các bộ tộc. 

Ở Hi Lạp xưa, thầy giáo được chọn từ những “công dân thông thái và tài ba”, ở La Mã nhà vua chỉ chọn thầy giáo từ “các viên chức có học thức”, ở Nga đó là những “nghệ nhân khai tâm”. Điều đó chứng tỏ từ rất xa xưa, ở bất cứ nơi đâu, nghề dạy học cũng được mọi người tôn vinh và kính trọng.

Người Việt Nam có truyền thống hiếu học. Truyền thống này thống nhất với truyền thống khác là trọng thầy. Ta thường nói “tôn sư, trọng đạo” là vì cái đạo của thầy thật đáng tôn trọng. Dưới chế độ phong kiến, người thầy giáo chỉ xếp vị trí sau vua “Quân, Sư, Phụ”. Còn trong dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”… Đạo lý ấy đã ăn sâu và bám rễ trong đời sống xã hội, và đến một lúc nào đó nó trở thành nếp nghĩ hay phong tục đẹp của dân tộc.

Trong quyển “Việt Nam phong tục” của Toan Ánh đã viết: “Người xưa trên mọi lĩnh vực đều lấy lễ nghi làm căn bản trong sự giao tế, nói đến lễ nghi là nói đến đạo đức thì không kể đến tiền tài. Chỉ kể đến cư xử sao cho thuận lễ, cho hợp với ân tình. Chính vì đề cao lễ nghi nên học trò xưa, dù sao này làm nên danh vọng cao xa, vẫn kính trọng thầy”. Các thầy đồ cũng luôn giữ địa vị của mình, chẳng may nếu gặp học trò vong ân, coi rẻ thầy thì lập tức các ông “cấm cửa" không bao giờ nhìn nhận đó là học trò. Đọc truyện Chu Văn An mới hiểu được uy tín của ông thầy đồ với học trò ra sao. Hay chuyện của vua Hàm Nghi lúc ở Quảng Bình được tin thầy cũ đến thăm, tuy đang nằm nghỉ cũng vội vàng đứng dậy, cung kính chắp tay chào thầy. Những người học trò ấy bao giờ cũng kính trọng thầy bởi vì trong tiềm thức họ những người thầy là những người khai tâm, khai trí, là những người đã thức tỉnh và hình thành nhân cách cho mình. Vì vậy, việc các thầy đồ mở trường dạy học thường dễ dàng không bị luật lệ nào ràng buộc. Không những thế lại còn miễn lao dịch, đi phu.

Phần lớn các thầy đồ đều không có lương, chỉ sống nhờ trợ cấp của cha mẹ học trò. Sống gần gũi với nhân dân nên các người thầy hiểu được tâm tư tình cảm của họ và dễ hoà đồng với cuộc sống dân dã. Cũng có khi thầy được một phụ huynh khá giả nhận đến ở nhà mình. Ngoài cơm nước, các ngày lễ, Tết gia đình cũng tặng thêm thầy lễ vật hay quan tiền để thầy đem về nhà cho vợ con hoặc dùng làm lộ phí. Đời sống vật chất như thế rõ là nghèo, là thanh bạch. Những ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hay ngày Tết, cha mẹ học trò thường mang lễ vật đến nhà thầy. Lễ vật chỉ đơn sơ là những sản phẩm nông nghiệp: thúng gạo hoặc nếp, nải chuối, con gà… đựng vào khay, vào quả. Đến nhà thầy, học trò thường theo gót cha, khăn áo chỉnh tề, cử chỉ cung kính. Gặp những trường hợp biết gia đình học trò nghèo, thầy giáo thường cám ơn mà không nhận quà.

Để giữ gìn đạo lý, kỷ cương phép nước, pháp luật thời phong kiến bảo vệ quyền lợi và địa vị của người thầy giáo. Từ bộ Hình thư, Hình luật đến Quốc triều Hình luật (luật hình triều Lê) thì nếu ai giết thầy là phạm vào “thập ác” sẽ đem đi xử tử, dẫu làm quan to cũng không được chuộc tội. Không những thế, nếu học trò cố ý đánh thầy cũng bị luật pháp xử nghiêm minh. Điều 489 của Luật Hồng Đức có ghi: “Học trò mà đánh và lăng mạ thầy học thì xử phạt nặng hơn tội người thường ba bậc; đánh chết thì phải tội chém”. Các điều luật trên xuất phát từ đạo lý trọng thầy của dân tộc, những biểu hiện vi phạm ít thấy sử sách ghi lại.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam nhắc lại lòng kính trọng của tổ tiên đối với người làm nghề dạy học nhằm làm sáng ngời truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Truyền thống ấy đã góp phần vào việc giữ gìn đạo lý, kỷ cương của đất nước, đồng thời nó còn thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mà thế hệ hôm nay phải hết sức gìn giữ và phát huy.

Lê Quang Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập461
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm395
  • Hôm nay60,718
  • Tháng hiện tại1,700,467
  • Tổng lượt truy cập40,069,843
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây